‘Đòn roi đôi khi cũng tốt cho VĐV’ ~ HÀNG XÁCH TAY CHÂU ÂU

Friday 26 February 2016

‘Đòn roi đôi khi cũng tốt cho VĐV’

Hầu hết VĐV, HLV của thể thao Việt Nam đều cho rằng việc ông Bùi Xuân Hà đánh học trò bằng cán chổi do vi phạm kỷ luật là chuyện bình thường để giáo dục VĐV nên người.

Sự việc xảy ra xảy ra từ tháng 4/2015. Thông qua một video được gửi đến các cơ quan báo chí, truyền thông cho thấy Bùi Xuân Hà – HLV trưởng Đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia Việt Nam, thuộc Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) gọi VĐV là “mày”, đồng thời yêu cầu nằm úp xuống sàn nhà thi đấu, trước khi dùng gậy dài vụt vào phần mềm một nam sinh.

“Trước tiên tôi muốn nói đến góc độ khác là hệ lụy của mạng xã hội. Đó vốn là thứ rất phức tạp nên khi có một cái gì đưa lên rất dễ gây bão. Tôi đã xem video và nhận thấy có không ít ý kiến lên án về vấn đề này. Nhưng không phải ai cũng hiểu hết, nhiều khi chỉ ngồi một chỗ rồi phán xét. Theo tôi, VĐV hư thì phải dạy họ đặc biệt khi họ còn trẻ, bởi HLV không chỉ huấn luyện chuyên môn mà còn chịu trách nhiệm trước bố mẹ của họ”, Trương Minh Sang – HLV đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) quốc gia cho biết.

HLV trẻ tuổi này đi lên từ một VĐV tài năng nên ông rất thấu hiểu sự khắc nghiệt của môi trường thể thao. “Khi còn trẻ, tôi bị đánh và chửi không ít lần. Nhưng tôi nghiệm lại, những điều đó tốt cho mình, để mình trở thành một con người tốt, một VĐV tài năng. Cần hiểu việc đánh VĐV như một phương pháo giáo dục, khác hẳn với việc hành hạ, xuống tay nặng với VĐV. Thể thao chuyên nghiệp khác với nghiệp dư, VĐV đôi lúc phải chịu đòn roi để có ý thức tốt hơn”.

Bản thân đang tham gia công tác huấn luyện, nên ông Trương Minh Sang không xa lạ với việc sử dụng những hình phạt. Ông tiết lộ đôi lúc cũng phải đánh VĐV để họ tốt hơn nhưng cách ông hay sử dụng là tăng khối lượng tập luyện: “Cách này vừa khiến VĐV sợ, vừa giúp họ gia tăng thể lực. Tuy nhiên sau mỗi buổi tập tôi cũng phải nói chuyện với họ, phân tích cho họ thấy cái đúng, cái sai không để họ ấm ức trong lòng”.

Theo ông Sang (thứ 2 từ trái qua) nếu từ lúc trẻ VĐV không được giáo dục, uốn nắn họ rất dễ trượt ngã. Ảnh: Facebook nhân vật

Từng đi nhiều quốc gia trên thế giới, ông Sang cho biết mỗi nền thể thao có cách giáo dục VĐV khác nhau. Ở Mỹ hay Canada, VĐV bỏ tiền ra tập nên khó có chuyện họ nhận đòn roi từ HLV. Nhưng ở hầu hết các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam… các VĐV tập trung, chịu sự ràng buộc từ các đơn vị chủ quản. Đối với những VĐV trẻ, ý thức của họ chưa cao, nhiều lúc không tuân thủ kỷ luật nên HLV phải có những biện pháp mạnh tay. Trong nhiều trường hợp, HLV được gia đình VĐV gửi gắm để giáo dục con mình nên họ phải dạy dỗ để giúp họ nên người.

Trong khi đó, cựu VĐV bóng bàn vô địch SEA Games Đoàn Kiến Quốc cho biết: “Đứng ở góc độ của một người trong giới, tôi thấy chuyện này bình thường, quan trọng là cái tâm của HLV, người thầy như thế nào. Tôi biết anh Bùi Xuân Hà khi cả hai cùng tập trung ĐTQG nên có hiểu được việc anh ấy làm. VĐV trẻ nhiều người còn ham chơi, không tập trung tập luyện nên phải la mắng hay dùng đòn roi thôi”.

Bản thân ông Đoàn Kiến Quốc đang huấn luyện đội bóng bàn trẻ của Khánh Hòa. Gắn bó với bóng bàn rất lâu, ông lo sợ những video như thế này sẽ khiến dư luận hiểu sai về môi trường thể thao. “Tôi không hiểu dụng ý của người đưa video này lên mạng là gì, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến môn bóng bàn, khiến nhiều người hiểu sai về HLV, VĐV. Tôi không biết gia đình của VĐV bị đánh sẽ nghĩ gì khi thấy con mình bị đánh nữa. Quan điểm của tôi, hành động của anh Hà chỉ là một biện pháp chứ không hề mang tính bạo hành gì ở đây”.

Về cách xưng hô “mày – tao” mà HLV Bùi Xuân Hà sử dụng theo những người trong giới thể thao là chuyện dễ hiểu. Nguyễn Thị Bích Thùy – VĐV cầu mây từng vô địch ASIAD 2006 chia sẻ: “Cũng một thời VĐV chuyên nghiêp. Tôi còn nhớ năm 2006 đoạt HCV ASIAD, có vài báo lên án anh Lập (HLV Hà Tùng Lập – PV) nhà mình gọi mình là mày tao, nhưng vẫn thấy hạnh phúc chán. Tuy gọi như vậy nhưng thầy luôn yêu thương và quan tâm đến học trò. Không phải người trong cuộc thì khó phán xét lắm”.

Cũng theo chị, ở một số quốc gia khác như Thái Lan, Hàn Quốc những VĐV trẻ của họ không chỉ chịu phạt từ HLV mà nhiều lúc bị răn đe bởi những đồng nghiệp đi trước. “Bên Thái Lan, đòn roi thường được sử dụng cho những VĐV trẻ, còn khi lên tuyển ai cũng phải ý thức để tập luyện, giành vị trí. Tiền thưởng cao nên họ phải sống chết mà tập, không có chuyện lơ là”.

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Tap Chi Du Lich Viet Nam