Bộ Công thương “đẩy” trách nhiệm sang Bộ Tài chính trước sóng gió dư luận về việc các ông lớn xăng dầu lãi khủng nhờ ưu đãi thuế nhưng không giảm giá bán lẻ xăng dầu khiến người dân chịu thiệt ngàn tỷ mỗi năm…
Theo nội dung gửi báo chí của Bộ Công thương ngày 14/3, cơ quan này chỉ rõ, tại Điểm b Khoản 2 Điều 40 Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định rõ Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
“Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu thì mức thuế nhập khẩu là mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN)”- văn bản gửi báo chí của Bộ Công thương khẳng định.
Bộ Công thương cho rằng cơ quan này chỉ phối hợp trong điều hành giá xăng dầu; còn cách tính giá cụ thể xăng dầu do Bộ Tài chính ban hành
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng cho biết đã và đang tiếp tục đề nghị, phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hoà việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA theo cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng.
Trước đó, theo phản ánh của báo chí, việc doanh nghiệp được hưởng thuế thấp khi nhập khẩu xăng dầu từ một số thị trường do hưởng ưu đãi theo quy định của các Hiệp định thương mại tự do nhưng vẫn tính giá bán trên cơ sở mức thuế cao cho người dân đã khiến dư luận “dậy sóng”.
Hiện, mức thuế nhập khẩu MFN mà cơ quan điều hành giá xăng dầu đang áp dụng dựa trên Thông tư 78/2015 của Bộ Tài chính là 20% đối với xăng, 10% với dầu diesel và madut, 13% với dầu hỏa.
Bên cạnh Thông tư 78, Bộ Tài chính còn ban hành và áp dụng nội dung tại 2 thông tư khác liên quan đến thuế nhập khẩu của mặt hàng xăng dầu, là Thông tư 165 áp dụng mức thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Thông tư áp thuế nhập khẩu đãi đặc biệt theo FTA Việt Nam – Hàn Quốc.
Theo đó, mức thuế nhập khẩu mà hai thông tư này áp dụng đều thấp hơn 5%-10% so với Thông tư 78. Điều kiện để các doanh nghiệp được hưởng thuế ưu đãi là chỉ cần có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ các nước trong khu vực ASEAN và Hàn Quốc.
Chiếu theo quy định tại các Thông tư trên thì doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu từ Asean và Hàn Quốc sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi. Song nghịch lý ở chỗ, dù được hưởng mức thuế ưu đãi nhưng các doanh nghiệp vẫn không “xin phép” nhà điều hành được giảm giá bán, mà thay vào đó, người dân vẫn phải chịu mua giá cao.
Theo tính toán thì hiện mỗi lít xăng dầu người tiêu dùng phải gánh khoảng 55% tiền thuế, phí. Các loại thuế đánh trực tiếp vào mỗi lít xăng dầu và túi tiền của người dân là thuế nhập khẩu 1.238 đồng; thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít; thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 743 đồng; chi phí định mức của doanh nghiệp là 1.050 đồng và lợi nhận định mức 300 đồng…
0 nhận xét:
Post a Comment