Theo phương án khôi phục cầu Ghềnh vừa được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị Thủ tướng cho phép triển khai theo lệnh khẩn cấp, số tiền cần có là 298,5 tỉ đồng.
Cầu Ghềnh 112 tuổi bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm sập trưa 20-3 làm gián đoạn tuyến đường sắt Sài Gòn – Biên Hòa – Ảnh: Xuân An
Phương án của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề xuất lên Thủ tướng là xây dựng mới toàn bộ cầu với sơ đồ nhịp 75 + 75 +75 m, dầm dàn vòm thép giản đơn;
Nâng cao độ trắc dọc đỉnh ray trên cầu Ghềnh lên khoảng 2,2 m đáp ứng tĩnh không thông thuyền cấp 3 (tĩnh không thông thuyền là 7m, cao hơn 3m so với ttĩnh không thông thuyền của cầu hiện hữu là 4m);
Cải tạo nâng đường hai đầu cầu và các hạng mục công trình thuộc phạm vi cầu và đường sông hai đầu như: cầu chui Hiệp Hòa, đường ngang Bùi Hữu Nghĩa, hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt, điện, đường ống nước trên cầu…
Các hạng mục này cần 153,7 tỉ đồng.
Để đảm bảo khai thác đồng bộ cầu Ghềnh sau khi khôi phục, VNR cũng cho biết cần sửa chữa, cải tạo mở rộng nhà ga, ke ga, kéo dài và đặt thêm đường ga ở các ga Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom. Chi phí cho các hạng mục này cần 75 tỉ đồng.
Cầu Ghềnh bị gãy 2 nhịp sau khi bị sà lan tông – Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
Nguồn vốn để khôi phục cầu Ghềnh được VNR đề xuất Thủ tướng cho sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016.
Trước đó, báo cáo Thủ tướng sự cố sà lan va sập cầu Ghềnh trên tuyến đường sắt Bắc – Nam và phương án sửa chữa khôi phục, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng giao VNR làm chủ đầu tư dự án khôi phục cầu Ghềnh và tự thực hiện quản lý dự án theo cơ chế công trình khẩn cấp, lựa chọn nhà thầu thi công và tư vấn theo hình thức chỉ định thầu.
Bộ GTVT dự kiến trong thời gian 3,5 tháng kể từ khi công tác trục vớt dầm, thanh thải lòng sông kết thúc.
Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai tổ chức ngăn luồng giao thông thủy, không cho phương tiện đi qua đoạn sông có cầu sập và tiến hành khảo sát tình trạng lòng sông tại khu vực cầu, các luồng tàu chính và luồng phụ qua sông Cái Lớn;
Lập phương án phân luồng đảm bảo giao thông thủy, trước mắt chỉ cho phép lưu thông các tàu có tải trọng khoảng 500 tấn; tổ chức trục vớt 2 dầm cầu bị rơi xuống sống vào bờ bằng tàu kéo, tháo dỡ 2 dầm vẫn còn nằm trên trụ, thanh thải phá dỡ tất cả các trụ.
Thời điểm tổ chức phân luồng tàu đảm bảo giao thông thủy bắt đầu thực hiện từ ngày 22-3-2016; dự kiến công tác thanh thải lòng sông và tháo dỡ cầu cũ được thực hiện trong 10 ngày tính từ ngày 22-3-2016.
Không thể khôi phục nguyên trạng
Theo Bộ GTVT, cầu Ghềnh có lý trình Km1699+860 thuộc tuyến đường sắt Bắc – Nam, bắc qua sông Đồng Nai do Pháp xây dựng vào năm 1900-1902.
Toàn cầu dài 224,21m, gồm 4 nhịp 55,3m, bao gồm 2 mố và 3 trụ đặt trên móng giếng chìm có thân bằng bê tông và đá xây.
Cầu đã được xây dựng và đưa vào khai thác đã hơn 100 năm.
Tĩnh không thông thuyền của cầu hiện hữu 4m không đảm bảo theo yêu cầu thông thuyền làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác đường sông, kết cấu mố trụ có cấu tạo bằng bê tông kết hợp đá xây khó đảm bảo yêu cầu chống va tàu.
Sau cú đâm va của sà lan 1.000 tấn vào trụ T2 cầu Ghềnh bị hư hỏng hoàn toàn 2 nhịp số 2 và số 3 (mỗi nhịp nặng khoảng 200 tấn), đổ trụ đỡ.
Qua khảo sát, các nhịp và mố trụ còn lại có khả năng bị ảnh hưởng do chấn động nên việc khôi phục cầu trở lại như nguyên trạng là không thể thực hiện được.
0 nhận xét:
Post a Comment