“Giá như gia đình biết cách sơ cứu ban đầu có lẽ cháu T. đã không tử vong” – Bác sĩ Cao Đức Chinh – Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (TP. Hà Nội) chia sẻ.
Liên quan đến sự việc, cháu P.T.T (2 tuổi) – là con của anh Phạm Thanh Sơn (trú ở tổ 14 phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP. Hà Nội), bị mắc dị vật trong cổ họng, sau đó được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) cấp cứu vào chiều ngày 11/3. Tuy nhiên, theo phía Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, cháu bé đã “chết lâm sàng” trước khi được gia đình đưa vào viện…
Ngay sau đó Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ đã trả cháu T. về, nhưng khi gia đình đưa cháu ra nghĩa trang mai táng thì bỗng miệng cháu “ngáp ngáp, cơ thể vẫn ấm” nên gia đình tiếp tục đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông để tiếp tục cấp cứu.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu cho cháu T. và lấy được dị vật ra khỏi cổ họng cháu (viên kẹo). Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn không cứu được cháu.
Dị vật mà các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông lấy được tư trong cổ họng cháu T. Ảnh: http://www.ngaynay.vn/
Bác sĩ Cao Đức Chinh – Phó Khoa cấp cứu Bệnh viện Hà Đông – Người trực tiếp cấp cứu cháu T. cho biết: “Bệnh nhân P.T.T (2 tuổi) được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện khoảng 19h tối ngày 11/3, trong tình trạng tim không đập, mạc không có, ngừng thở, đồng tử giãn… Xác định cháu đã tử vong ngoại viện.
Theo bác sĩ Chinh, giá như gia đình biết cách sơ cứu ban đầu có lẽ cháu T. đã không tử vong. Thời điểm xảy ra sự việc, gia đình có thế dốc ngược, vỗ lưng cháu để cho dị vật trong cổ họng bắn ra ngoài hoặc giải phóng đường thở bằng. Nhưng gia đình lấy tay để móc dị vật ra, bởi dị vật là hình tròn nên khi càng móc dị vật càng xoáy vào sâu bên trong.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc sơ cứu trẻ hóc dị vật vô cùng quan trọng, nếu xử lý đúng cách và kịp thời sẽ cứu được bé trong gang tấc. Nếu không kịp thời chỉ sau 5-6 phút, dị vật chèn đường thở sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu sặc sữa, sặc cháo, hay hóc dị vật (thực phẩm cứng, đồ vật nhỏ…), cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh những thao tác như sau:
Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.
Sau khi làm xong nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức.
Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra thì cha mẹ cần hút kỹ chúng để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể làm cách khác. Với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực.
Lấy 3 ngón tay ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.
Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ và người trông trẻ có thể dùng biện pháp ép bụng (phương pháp Heimlich).
Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.
Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh.
Sau đó đưa bé ngay vào viện.
0 nhận xét:
Post a Comment