“Đọc mà ghê quá các mẹ ạ! Đã xảy ra liên tiếp 3 vụ bắt cóc trẻ em tiểu học giữa ban ngày ban mặt… Các bậc cha mẹ phải thật cảnh giác”; “Ôi từ giờ chỉ nhốt con trong nhà mất thôi”…
Thông tin bắt cóc trẻ em được chia sẻ trên mạng – Ảnh chụp màn hình FB
Đó chỉ là một số trong những dòng chia sẻ được đăng lên mạng xã hội Facebook thời gian vừa qua sau khi xuất hiện thông tin về các vụ “bắt cóc” trên mạng xã hội, thậm chí là một số báo, đài.
Gần đây nhất là vụ bé H.T.N. (5 tuổi), được nói là bị bắt cóc không thành khi trên đường đi học về trên đường Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM). Tuy nhiên đến thời điểm này (ngày 24-3), cơ quan chức năng vẫn chưa xác nhận đây có phải là bắt cóc hay không.
Trước đó tại Hà Nội, một người tên M. đã đăng lên trang Facebook cá nhân câu chuyện con mình bị bắt cóc hụt khi cùng ông đi chợ.
Một chủ tài khoản Facebook khác cũng kể chuyện kẻ xấu dàn cảnh tai nạn âm mưu bắt cóc con mình khi bé cùng bà đi mua thuốc tây, người này thậm chí đăng hình đứa trẻ mặt mày xây xát – được nói là do vụ tai nạn gây ra, lên mạng, khiến các ông bố bà mẹ lo thon thót.
Cách đây vài giờ, chủ tài khoản tên P.A.H. chia sẻ trên Facebook: “Khi bằng tuổi các em, lũ chúng tôi được tự do chạy nhảy chơi trốn tìm khắp các con đường ngõ hẻm, khái niệm “bắt cóc” có lẽ chỉ ở trong truyền thuyết. Xã hội bây giờ tiến bộ, nhân tính càng mất đi, cướp giật người một cách trắng trợn, đọc mà thấy bức xúc”.
Còn chủ tài khoản tên L.B. viết: “Lo quá mọi người ơi. Bây giờ bọn này đã đi đến tận những vùng nông thôn rồi. Mình mới nge mẹ kể hôm qua ở gần nhà mình có 2 thằng thanh niên định bắt cóc một bé trai nhưng bị người dân phát hiện chúng bỏ chạy. Các mẹ hãy cố gắng giữ trẻ thật cẩn thận nhé”.
Nhiều người khác chia sẻ (share) các đường link về các vụ bắt cóc và kêu gọi cảnh giác: “Ba mẹ ơi cẩn thận nhé. Bây giờ không thể nói trước được điều gì”. Có người không quên bình luận: “Giờ không dám ra đường luôn. Mà mới nghe đâu giờ nó xông vào nhà bắt cóc luôn đó”.
Cùng với đó, các Facebooker chia sẻ đường link hướng dẫn đề phòng bắt cóc, cũng như kinh nghiệm cá nhân như đeo đai an toàn khi chở con ra đường; không để con ăn sáng trước cổng trường 1 mình; luôn ở cạnh trông chừng cho đến khi con đã đi vào bên trong sân trường; dặn con tan học chỉ đứng trong sân trường gần phòng bảo vệ chứ không được ra ngoài đường đợi bố mẹ…
Tuy nhiên cũng không ít người cho rằng thông tin bắt cóc là chiêu trò của các trang bán hàng online, fanpage câu like, và nhắc nhở mọi người – nhất là các bà mẹ, nên tỉnh táo để không sa vào “bẫy” rồi hoang mang.
“Bắt cóc thường sẽ chọn đứa nào đang ở 1 mình, không có người thân bên cạnh, thường là ở công viên hoặc khu vui chơi trẻ em, thậm chí là quán net. Để bắt cóc thuận tiện thì không nên gây ồn ào chú ý, tốt nhất là dụ dỗ con nít bằng cái gì đó, dỗ ngon dỗ ngọt để chúng đi theo chứ không việc gì phải đi giành con với một bà mẹ trên đường”, Facebooker Ng.Th.H. chỉ ra điểm vô lý của vụ “bắt cóc” trên đường Âu Cơ.
“Hãy bình tĩnh đừng nghe tin đồn thất thiệt, dù vẫn nên cẩn thận”, Facebooker L.T. viết. “Thông tin phát tán đầy trên mạng…đọc nên có chọn lọc các mẹ nhé”, một Facebooker thêm.
Trong khi đó Facebooker Ng.N.Th. đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan chức năng: “Những tin về bắt cóc trẻ em cứ xen kẽ giữa những người đáng tin và những người câu like để bán hàng. Lực lượng chức năng thì chưa thấy thông tin chính thức gì ngoài việc phạt hành chính 1 bạn tung tin bậy. Không biết là thật hay trò đùa?”.
Công an TP.HCM khẳng định không có chuyện bắt cóc trẻ trên phố
Trưa 24-3, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM khẳng định thông tin đồn thổi hiện ở TP.HCM xảy ra một số vụ bắt cóc trẻ là tin đồn thất thiệt, đã xuất hiện lâu nay.
Đại tá Quang nói: “Tôi khẳng định từ đầu năm đến nay, TP.HCM chưa xảy ra vụ bắt cóc trẻ em nào. Thông tin vụ hai đối tượng chạy xe máy giằng co một em bé từ tay người mẹ trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình), chúng tôi đang xác minh để có kết luận là vụ việc này có xảy ra hay không, hiện công an TP chưa khẳng định đây là một vụ bắt cóc không thành”.
Thời gian qua các trang mạng, đặc biệt là trên Facebook có một số người tuyên truyền thông tin về một số vụ bắt cóc và người dân dễ dàng tin theo.
“Tôi cũng trực tiếp nghe một số người quen thân kể một số vụ bắt cóc y như phim hành động. Họ kể chỗ này, chỗ kia xảy ra vụ bắt cóc này kia nhưng tôi khẳng định tất cả đều không có. Vì nếu xảy ra một vụ bắt cóc là xảy ra một vụ án nghiêm trọng, công an địa phương sẽ báo cáo vụ việc ngay lập tức lên Công an TP.” – đại tá Quang nói.
0 nhận xét:
Post a Comment