Sáng 21/3, Quốc hội bước vào kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, với hơn 10 ngày dành cho công tác nhân sự. Trong đó, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều được bầu mới.
Theo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) khi nhậm chức Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng đầu tháng 4
Sáng 30/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội.
Sáng 31/3 Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ trước Quốc hội.
Theo thông tin bên lề Đại hội Đảng XII, dự kiến nhân sự để bầu cho chức danh Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang, Thủ tướng là ông Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chiều 31/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Sáng 2/4, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Quốc hội tại kỳ họp cuối cùng của khóa này sẽ miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sáng 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng.
Sáng 7/4, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ tại Quốc hội.
Ngày 8/4, tân Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Tới 9/4, Thủ tướng trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Sau khi bỏ phiếu kín, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
‘Tuyên thệ là lời hứa trước đồng bào’
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, quy định Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp sau khi được bầu là nội dung mới được quy định trong Hiến pháp và đã được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Quốc hội.
“Người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao và phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ với thời gian không quá 3 phút” – ông Phúc nói.
Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, việc các chức danh chủ chốt như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng tuyên thệ sau khi nhậm chức sẽ khiến cho nghi lễ nhậm chức trang trọng hơn.
“Tuyên thệ trước Quốc hội, dù gói gọn trong 3 phút nhưng sẽ là lời hứa công khai của lãnh đạo trước quốc dân đồng bào. Người dân sẽ nhìn vào đó để xem xét trong nhiệm kỳ vị đó sẽ hành động ra sao, có những chính sách thế nào trước lời hứa đó. Vì vậy tính trách nhiệm sẽ cao hơn”, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, việc tuyên thệ khi nhậm chức ở mỗi nước sẽ khác nhau. Thông lệ quốc tế về việc tuyên thệ cũng đa dạng, tùy thuộc vào văn hóa từng nước, có người thề sẽ đưa tay lên hiến pháp, cũng có người thề đưa tay lên kinh thánh.
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII dự kiến có 19 ngày làm việc. Trong đó, 10,5 ngày làm công tác nhân sự; 5 ngày thảo luận, xem xét thông qua 7 dự án luật; 4,5 ngày để xem xét đánh giá công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
0 nhận xét:
Post a Comment