Tổng cộng 504 thường dân bị sát hại tàn bạo ở Mỹ Lai ngày 16/3/1968, nhưng báo cáo trình lên chính quyền Mỹ mô tả một trận thắng lẫy lừng, với hơn 100 “kẻ thù” bị tiêu diệt.
Lính Mỹ đốt nhà và đồ đạc của người dân thôn Mỹ Lai trong vụ thảm sát ngày 16/3/1968. Ảnh: Getty
Sau hơn 4 giờ bắn giết dân thường ở thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi, Lục quân Mỹ được lệnh rút quân. Những bản báo cáo ban đầu được trình lên cho lãnh đạo quân đội Mỹ mô tả một chiến thắng lẫy lừng ở Mỹ Lai với “128 kẻ địch bị tiêu diệt trong trận đấu súng ác liệt”, trong khi lực lượng Mỹ không tổn thất một sinh mạng nào.
Trước đó, tình báo Mỹ xác định có một tiểu đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Mỹ gọi là Việt Cộng) đang ẩn náu ở thôn Mỹ Lai. Các chỉ huy quân sự Mỹ cho rằng những người đang ở thôn Mỹ Lai là kẻ thù và ra lệnh “giết tất cả những gì còn sống” ở đây.
Che đậy sự thật
Trong vụ thảm sát, cũng có những người Mỹ tìm cách giải cứu thường dân. Đó là chuẩn úy phi công Hugh Thompson cùng các thành viên phi hành đoàn trên chiếc trực thăng trinh sát trên không do ông điều khiển. Sau khi phát hiện lính Mỹ thảm sát người dân, đội của Thompson đã thả khói xanh xung quanh nạn nhân, dấu hiệu cho thấy có người bị thương cần cứu giúp.
Trong một hội nghị khoa học về Mỹ Lai ở Đại học Tulane tháng 12/1994, ông Thompson kể: “Chúng tôi bay trong khu vực và thấy xác người nằm la liệt khắp nơi. Phần lớn thi thể là trẻ em, phụ nữ và những người đàn ông lớn tuổi”. Thompson ra lệnh cho hai thành viên phi hành đoàn chĩa súng máy hạng nặng cố định trên trực thăng vào những binh sĩ đang say máu.
Đội của Thompson cũng đáp xuống để cứu mạng những thường dân đang ẩn nấp trong một căn hầm. Sau khi trở về căn cứ, Thompson báo cáo vụ việc lên lãnh đạo quân đội. Nhằm lấp liếm vụ tắm máu được coi là một trong những vết nhơ lớn nhất lịch sử quân sự Mỹ, hàng loạt tướng lĩnh quân đội cũng như các quan chức chính phủ Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn để đánh lừa dư luận.
Các tướng lĩnh báo cáo sai sự thật trong khi nhà chức trách phớt lờ đơn thư tố cáo từ những người trực tiếp chứng kiến vụ thảm sát. Cuộc điều tra đầu tiên về Thảm sát Mỹ Lai được tiến hành rất hời hợt. Khi đó, một viên đại tá của Lục quân Mỹ đã thẩm vấn qua loa các binh sĩ tham gia vụ việc.
Báo cáo cuối tháng 4/1968 khẳng định, 22 thường dân vô tình bị sát hại khi Mỹ thực hiện chiến dịch. Quân đội Mỹ vẫn coi Mỹ Lai là chiến thắng vang dội. Nhiều đơn thư được gửi tới lãnh đạo Mỹ về vụ thảm sát nhưng tất cả đều bị phớt lờ.
Xác người nằm la liệt ở Mỹ Lai sau vụ thảm sát. Ảnh: Getty
Tổng thống Mỹ Richard Nixon coi thảm sát Mỹ Lai là “mối đe dọa chính trị” nên đã chỉ đạo che giấu sự thật. Các tài liệu cho thấy Nixon lập nhóm chuyên trách về Mỹ Lai, có nhiệm vụ che đậy vụ thảm sát cũng như âm mưu phá hoại các cuộc điều tra nhằm vào vụ việc này.
Đội ngũ của Nixon cũng nỗ lực làm giảm uy tín của nhân chứng nhằm biến lời vạch tội của họ trở nên thiếu sức thuyết phục. Thậm chí, Nixon còn ra lệnh thả một quân nhân Mỹ sau khi nhân vật này bị tuyên án chung thân vì dính líu tới vụ thảm sát.
Hành trình vạch tội
Hơn 1 năm sau vụ thảm sát, cựu binh Ronald Ridenhour đã nỗ lực đưa sự việc ra ánh sáng nhờ những bằng chứng mà ông thu thập tỉ mỉ, có hệ thống trong thời gian đóng quân ở Việt Nam. Dù Ridenhour không trực tiếp tham gia vụ thảm sát Mỹ Lai nhưng lời kể của những người đồng đội cho ông cái nhìn toàn cảnh nhất.
Tháng 12/1968, từ Việt Nam trở về Mỹ, Ridenhour bắt đầu hành trình vạch trần tội ác. Ông soạn một bức thư 1.500 từ, sao 30 bản và gửi tới Tổng thống Richard M. Nixon, Bộ trưởng Quốc phòng Melvin R. Laird, chính quyền bang Arizon và truyền thông.
Lá thư của cựu binh Mỹ mô tả vụ tấn công đẫm máu ở Mỹ Lai. Thư có đoạn: “Tôi hỏi Butch về nạn nhân của vụ thảm sát. Anh ấy cho biết đàn ông, phụ nữ, trẻ em đều bị giết. Butch nhớ lại cảnh một cậu bé khoảng 3 đến 4 tuổi, bị thương ở tay đang đứng trên đường. Tay còn lại của em ôm lấy chỗ bị thương. Máu chảy ướt các ngón tay. Đứa bé sốc và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau đó, một lính Mỹ bắn đứa bé”.
Dù chính phủ Mỹ tiếp tục làm ngơ nhưng giới truyền thông Mỹ đã vào cuộc. Seymour Hersh, phóng viên báo New Yorker, độc lập thu thập thông tin, bằng chứng từ William Calley, viên trung úy chỉ huy chiến dịch thảm sát Mỹ Lai, và các nhân chứng khác để viết bài. Những bài báo của Hersh khiến dư luận Mỹ sôi sục căm phẫn.
Sức ép lớn đến nỗi chính phủ phải vào cuộc điều tra các nhân vật có liên quan đến vụ thảm sát. Ngày 22/11/1969, các tạp chí lớn và uy tín của Mỹ như TIME, Life và Newsweek đồng loạt đăng tải về vụ thảm sát. Những bức hình thường dân bị sát hại do nhiếp ảnh gia Ron Haeberle chụp cũng được đăng tải.
Hai năm 1 ngày sau vụ thảm sát Mỹ Lai, 14 sĩ quan Mỹ, bao gồm cả tướng chỉ huy lực lượng tiến hành vụ thảm sát, bị Lục quân Mỹ buộc tội che giấu vụ việc. Tuy nhiên, phần lớn những lời buộc tội sau đó bị hủy bỏ.
Lính Mỹ đổ bộ vào Mỹ Lai ngày 16/3/1968. Ảnh: Getty
William L.Calley, chỉ huy đơn vị lính Mỹ đầu tiên xả đạn giết hại thường dân ở Mỹ Lai, bị tuyên án chung thân. Trong số 26 người bị buộc tội, Calley cũng là kẻ duy nhất bị kết án. Tuy nhiên, chính Nixon đã ra lệnh ân xá cho y. Dù vụ thảm sát Mỹ Lai đã được đưa ra ánh sáng nhưng những kẻ gây tội ác không bị trừng phạt.
Bản án lương tâm và chuộc tội
Trước tòa, Calley vẫn một mực cho rằng mình làm theo mệnh lệnh và cống hiến cho đất nước. Calley khẳng định các nạn nhân ở Mỹ Lai đều có liên quan tới Việt Cộng. Tuy nhiên, 40 năm sau, Calley đã lên tiếng xin lỗi. “Không ngày nào trôi qua mà tôi không hối hận về những gì xảy ra ở Mỹ Lai hôm đó. Tôi cảm thấy tội lỗi với những người Việt Nam bị giết cũng như gia đình họ. Tôi cũng thấy có lỗi với những lính Mỹ và gia đình họ. Tôi vô cùng xin lỗi”, Calley xám hối.
Calley không dám trở lại Mỹ Lai nhưng nhiều cựu binh Mỹ đã quay trở lại vùng đất này trong những ngày kỷ niệm vụ thảm sát để tưởng nhớ 504 thường dân vô tội đã ngã xuống. Nhiều quân nhân Mỹ không có liên quan cũng tới Mỹ Lai để bày tỏ lòng thương tiếc với những người bị đồng đội của họ sát hại.
Ông Mike Boehm của tổ chức Madison Quakers đã kéo đàn violon “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” để tưởng nhớ người đã mất. Ảnh: NLĐ
Trong lễ kỷ niệm năm nay, ông Billy Kelly, một cựu binh Mỹ, đã đặt 504 bông hoa hồng để tưởng niệm những nạn nhân trong vụ thảm sát. Giống như hơn 20 năm qua, cựu binh Mike Boehm tiếp tục trở lại Mỹ Sơn, kéo cây đàn vĩ cầm tại khu chứng tích Mỹ Sơn để cầu mong các nạn nhân vụ thảm sát yên nghỉ.
Những người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam cũng đang làm nhiều cách để hỗ trợ kinh tế cho người dân Mỹ Lai, vùng đất đang thay da đổi thịt mạnh mẽ. Nhiều quỹ từ thiện được lập nhằm hỗ trợ cho dân làng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
0 nhận xét:
Post a Comment