Theo luật sư, người nào tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội làm hoang mang dư luận là vi phạm pháp luật, phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.
Giữa tháng 3, tài khoản Facebook có tên M. đăng thông tin về vụ bắt cóc trẻ em xảy ra tại khu chợ Trời (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). “May bố mình phản ứng kịp, giật con bé ôm vào lòng. Mấy người gần đấy nhìn thấy thế cũng hét lên và 2 người đó chạy mất” – chủ tài khoản kể.
Thông tin về “vụ bắt cóc trẻ em” nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều người dùng mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ hoang mang khi nghe về tình hình tội phạm chiếm đoạt trẻ em xảy ra ở trung tâm thành phố.
Vào cuộc điều tra, Công an Hà Nội khẳng định không có vụ việc nào như trên. Đến nay, cảnh sát vẫn đang truy tìm người tung tin thất thiệt lên Facebook.
Hai tháng trước, Nguyễn Sơn Tùng (31 tuổi, ở Thái Nguyên), cũng sử dụng tài khoản Facebook tên “Tùng lò gạch” đăng tải thông tin về vụ bắt cóc trẻ em tại khu vực trường mầm non 19-5 (phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên). Vào cuộc xác minh, công an địa phương cũng bác bỏ tin đồn thất thiệt.
Nêu quan điểm về các vụ việc trên, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, chủ 2 tài khoản mạng xã hội tung tin bắt cóc trẻ em đã gây hoang mang, lo lắng cho dư luận.
Căn cứ Nghị định 174/2013 NĐ-CP của Chính phủ, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, chủ 2 tài khoản Facebook có thể bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.
Cảnh sát công nghệ cao sử dụng thiết bị chuyên dụng để điều tra vụ việc phạm pháp. Ảnh: Tùng Lâm.
Cũng theo luật sư Hòe, ngoài xử phạt hành chính, người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội có thể bị xem xét xử lý hình sự, theo quy định tại Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999.
Theo đó, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp và các quyền tự do dân chủ khác, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Vị luật sư cho rằng, chủ 2 tài khoản Facebook nêu trên đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, đưa tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng. Do đó, họ có thể bị xem xét xử lý theo Điều 258 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng kết luận các chủ tài khoản mạng xã hội này vô thức, không chủ đích phạm tội thì có thể xem xét xử lý họ ở mức hành chính.
0 nhận xét:
Post a Comment