Về nguyên tắc, Nguyễn Văn Cường phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra… Nhưng do trong vụ việc này, Cường là người gây ra thiệt hại cũng đã tử vong nên không có căn cứ để bồi thường thiệt hại.
Liên quan đến vụ nổ kinh hoàng xảy ra vào khoảng 15h10’ ngày 19/3, tại vỉa hè TT9 khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, Hà Nội, câu hỏi đặt ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường, khi thủ phạm cũng là nạn nhân đã tử vong?
Khu vực hiện trường vụ nổ ở Hà Đông.
Vụ nổ xảy ra làm 3 người đi đường chết tại chỗ, 1 người chết trên đường đi cấp cứu, 1 người mất tích, 1 người bị thương nặng hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 103, 6 xe mô tô bị cháy, 1 ô tô bị hư hỏng, các căn hộ từ số 8 đến số 27 TT9; số 75 đến 95 TT20 bị sụt nứt, hư hỏng.
Nguyên nhân của vụ việc, theo kết luận ban đầu của cơ quan chức năng, là do Phạm Văn Cường (SN 1975, ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định mang vật liệu nổ (bom từ thời chiến tranh) mua được ra trước cửa nhà, cạnh đường rồi dùng đèn khò cắt vật liệu nổ để lấy sắt thì xảy ra vụ nổ.
PV Infonet có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội, để hiểu rõ hơn về vấn đề này. Luật sư Anh Thơm cho biết: “Hành vi của Phạm Văn Cường đã có dấu hiệu phạm các tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 232 BLHS”.
Nơi phát nổ khiến nhiều người chết và bị thương.
“Phạm Văn Cường là chủ cửa hàng thu mua phế liệu đã mua một vật liệu nổ là quả bom cũ từ thời chiến tranh. Cường là người kinh doanh các phế liệu sắt thép, phải biết phân biệt những loại phế liệu, vật liệu khác nhau phân loại xử lý chúng trước khi bán.
Vật liệu nổ này đã có những kích thước hình dạng bên ngoài để nhận biết được là loại vật liệu rất nguy hiểm. Nhưng do chủ quan hoặc do cố ý mà Cường đã không nghĩ đến hậu quả xảy ra nên đã dùng máy khò để cưa vật liệu nổ này ra lấy sắt hoặc lấy thuốc nổ (nếu có) ở bên trong nhằm các mục đích khác nhau”, luật sư Anh Thơm nói.
Vụ nổ xảy ra làm rất nhiều xe máy…
Tuy nhiên, luật sư Anh Thơm cũng thẳng thắn phân tích: “Mặt khách quan của tội phạm này chỉ cần có hành vi tàng trữ vật liệu nổ. Hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành loại tội phạm này và chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi xử lý.
Trong vụ việc này, do Nguyễn Văn Cường là người trực tiếp gây ra vụ việc đã chết nên không có căn cứ khởi tố vụ án hình sự để xử lý đối tượng về Tội tàng trữ vật liệu nổ theo Điều 232 BLHS. Trường hợp, nếu người vợ của Nguyễn Văn Cường biết chồng đã thu mua được vật liệu nổ đó mà không tố giác với các cơ quan pháp luật thì sẽ bị xử lý về Tội không tố giác tội phạm. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 314 Bộ luật hình sự”.
… ô tô bị mất lái và méo mó vì sức ép…
Theo luật sư Anh Thơm, ở Điều 232 tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ có quy định rõ: Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: Có tổ chức, vật phạm pháp có số lượng lớn, vận chuyển, mua bán qua biên giới, gây hậu qủa nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Vật phạm pháp có số lượng rất lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
… và nhiều ngôi nhà bị hư hỏng nặng.
Còn Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự: Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự. Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Vật liệu nổ trong vụ việc này được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ được qui định tại Điều 632 Bộ luật dân sự: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”, luật sư Anh Thơm nhận định.
Cũng theo luật sư Anh Thơm, theo kết quả điều tra ban đầu, xác định hậu quả thiệt hại về người và tài sản là do Nguyễn Văn Cường đã cưa cắt vật liệu nổ gây ra. Về nguyên tắc, Nguyễn Văn Cường phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo qui định tại Điều 623 Bộ luật dân sự và theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Nhưng do trong vụ việc này, Nguyễn Văn Cường là người gây ra thiệt hại cũng đã tử vong nên không có căn cứ để bồi thường thiệt hại.
0 nhận xét:
Post a Comment