Câu chuyện về ước mơ trở thành chiến sĩ công an bỗng chốc vụt tắt của Hà Vi khi các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đành phải cắt bỏ chân phải để giữ tính mạng cho em khiến nhiều bạn đọc quan tâm.
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, sau khi gặp tai nạn giao thông, Lê Thị Hà Vi (học sinh lớp 10) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk).
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán nạn nhân bị gãy mâm chày nên cho bó bột. Sau đó, dù bệnh nhân liên tục kêu đau nhưng bác sĩ vẫn không đồng ý tháo bột kiểm tra.
Đến ngày 10-3, khi phó giám đốc bệnh viện chỉ đạo cưa bột ra thì chân Vi đã sưng to và đầy bọng nước lớn. Thấy tình hình không ổn, gia đình Vi xin chuyển viện nhưng không được đồng ý.
Ngày 11-3, gia đình cương quyết chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Các bác sĩ ở đây chẩn đoán chân Vi đã bị hoại tử và chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy.
Câu chuyện khiến nhiều bạn đọc bức xúc. Chị Thu Hồng (Đồng Nai) cho rằng: “Người dân cũng muốn khám tuyến dưới vì chẳng ai dại lại đi xa xôi cho tốn kém nhưng thực sự nghe những chuyện vầy thấy bức xúc quá”.
Bà Tuyết Huệ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đồng tình: “Cần chấn chỉnh công tác đào tạo bác sĩ về cả chuyên môn lẫn y đức. Bác sĩ phải biết đau trước cái đau của bệnh nhân”.
Ban phát sức khỏe cho bệnh nhân
Luật sư Phạm Công Út cho rằng không có y, bác sĩ nào muốn bệnh nhân của mình bị tổn thương nặng nề hơn tình trạng bệnh của họ. Chúng ta cũng cần chia sẻ với đội ngũ y, bác sĩ về những áp lực công việc mà họ phải chịu.
Tuy nhiên, ông Út khẳng định hiện nay một số ít y, bác sĩ có suy nghĩ, hành động như mình là người ban phát sức khỏe cho bệnh nhân, cho rằng mình là người có quyền lực, thậm chí là cửa quyền, tắc trách khi không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một người thầy thuốc là cứu chữa bệnh nhân.
Không ít vụ đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.
Do vậy, sự thông cảm của xã hội với y bác sĩ chân chính là cần thiết nhưng cũng cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về y đức của bác sĩ.
Những sai sót, rủi ro nghề nghiệp là không thể tránh khỏi ở bất kỳ nền y học nào, nhưng sự thiếu ý thức, vô trách nhiệm, coi thường sức khỏe, mạng sống của bệnh nhân là không thể chấp nhận.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh – trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM – cho rằng không thể đào tạo cho bác sĩ 6 năm rồi thôi, không phải chỉ học trong trường là xong mà y khoa là ngành phát triển liên tục, mỗi ngày đều phải học, học suốt đời.
Bác sĩ cử tuyển nếu chịu khó học hành vẫn giỏi như thường, không phải cứ cử tuyển là dở.
Nếu chúng ta không đào tạo bác sĩ đến nơi đến chốn thì những chuyện tương tự sẽ còn diễn ra.
Ngành y tế cần quan tâm hơn vấn đề nâng cao kiến thức cho bác sĩ tuyến dưới, cần quy định mỗi bác sĩ phải đi dự bao nhiêu hội nghị trong một năm, phải đi học đàng hoàng và xem đây là nhiệm vụ bắt buộc.
Không thể coi chuyện cử người đi học là một “đặc ân” như tư duy của một số lãnh đạo ngành y tế hiện nay.
Theo BS Nam Anh, gãy xương vùng mâm chày, tức là gãy xương vùng khớp gối là kinh điển trong y học và thường sẽ có tổn thương mạch máu.
Nếu các bác sĩ chú ý thì sẽ phát hiện được vấn đề. Quan trọng là bác sĩ có chú ý hay không. Nhiều người chỉ nghĩ là gãy xương chứ không nghĩ đến những vấn đề liên quan.
BS Nam Anh cho biết: “Thật sự rất tiếc cho trường hợp của Vi vì cưa chân trên gối bao giờ tiên lượng cũng xấu hơn cắt dưới gối. Vì khi cắt dưới gối thì việc lắp chân giả sẽ dễ dàng hơn”.
Có thể xử lý hình sự
Luật sư Phạm Công Út (nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân Q.8, TP.HCM) cho biết nếu hồ sơ vụ việc xác định có lỗi của êkip trực dẫn tới hậu quả là Hà Vi phải cưa chân thì có thể căn cứ theo khoản 1 và 2, điều 76, Luật khám bệnh, chữa bệnh để đưa ra hình thức xử lý.
Theo đó, những người hành nghề, cơ sở hành nghề khám chữa bệnh có sai sót phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
Ngoài ra còn có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý khác được quy định tại khoản 1, điều 242, Bộ luật hình sự về vi phạm quy định trong khám bệnh, chữa bệnh gây hậu quả từ nghiêm trọng tới đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Út cho hay: Về trình tự, trước hết cơ quan chức năng phải thành lập hội đồng chuyên môn để dựa trên hồ sơ, tài liệu… đưa ra kết luận là có sai sót, vi phạm quy định về khám chữa bệnh hay không.
Nếu xác định có vi phạm, sai sót thì trách nhiệm sẽ thuộc về cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề. Từ các kết luận này, nạn nhân có thể khởi kiện, yêu cầu bồi thường về mặt dân sự.
Về trách nhiệm dân sự thì khi có kết luận của cơ quan chuyên môn, đơn vị bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp cho y, bác sĩ và cơ sở khám chữa bệnh sẽ là người chịu trách nhiệm chi trả. Nếu cơ sở, y bác sĩ hành nghề không mua bảo hiểm sẽ phải tự chi trả.
0 nhận xét:
Post a Comment